Lịch sử Kosovo

Bài chi tiết: Lịch sử Kosovo

Nam Tư tan rã

Cầu bắc qua sông Ibar, kết nối người Serb ở phía bắc và người Albania ở phía nam của thành phố Kosovska Mitrovica.

Tình trạng căng thẳng giữa các dân tộc tại Kosovo tiếp tục xấu đi trong suốt thập niên 1980. Bản ghi nhớ của Học viện Serbia năm 1986 cảnh báo rằng Nam Tư đang phải trải qua xung đột sắc tộc và sự tan rã của kinh tế Nam Tư thành các khu vực và lãnh thổ kinh tế riêng biệt, biến một nhà nước liên bang thành một liên minh lỏng lẻo.[15] Vào tháng 2 năm 1989, cuộc biểu tình của thợ mỏ Trepca đã bắt đầu một cuộc tuyệt thực trước khi Kosovo chính thức bị bãi bỏ quyền tự trị.

Vào ngày 28 tháng 6 năm 1989, Slobodan Milošević đọc bài diễn văn Gazimestan trước một số lượng lớn công dân người Serbia trong một lễ kỷ niệm lớn đánh dấu 600 năm từ lúc xảy ra trận Kosovo. Nhiều người nghĩ rằng bài phát biểu đó đã giúp Milošević củng cố quyền lực của mình tại Serbia.[16] Năm 1989, Milošević, sử dụng cả đe dọa lẫn vận động chính trị, quyết liệt bãi bỏ tình trạng tự trị đặc biệt của Kosovo và đầu đàn áp văn hóa của dân tộc Albania.[17] Người Albania tại Kosovo phản ứng bằng một phong trào ly khai bất bạo động, tiến hành bất tuân dân sự rộng rãi và lập ra các thể chế tồn tại song song trong các lĩnh vực giáo dục, chăm sóc y tế, và thuế, với mục tiêu cuối cùng là giành được quyền độc lập cho Kosovo.[18]

Ngày 2 tháng 7 năm 1990, quốc hội Kosovo tự xưng tuyên bố Kosovo là một nước cộng hòa bên trong Nam Tư và đến ngày 22 tháng 9 năm 1991 thì tuyên bố Kosovo là một quốc gia độc lập, Cộng hòa Kosova. Vào tháng 5 năm 1992, Ibrahim Rugova được bầu làm tổng thống.[19] Trong suốt thời gian tồn tại, Cộng hòa Kosova chỉ được Albania công nhận về mặt ngoại giao; thể chế này chính thức tan rã vào năm 2000 sau chiến tranh Kosovo, khi nó được thay thế bằng thể chế hành chính do Phái bộ Quản lý Lâm thời của Liên Hiệp Quốc tại Kosovo (UNMIK) thành lập.

Chiến tranh Kosovo

Bài chi tiết: Chiến tranh Kosovo
Ảnh vệ tinh đống mồ tại Izbica, nơi 146 người sắc tộc Albania bị quân Serbia hành quyết trong thảm sát Izbica.

Năm 1995, Hòa ước Dayton kết thúc Chiến tranh Bosnia, thu hút sự chú ý đáng kể của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, bất chấp nguyện vọng của người Albania tại Kosovo, tình hình tại Kosovo vẫn chưa được cộng đồng quốc tế giải quyết, và đến năm 1996, quân Giải phóng Kosovo (KLA), một nhóm du kích người Albania, bắt đầu giao nộp vũ khí cho lực lượng an ninh người Serb và Nam Tư, đây là thắng lợi trong việc giải quyết giai đoạn đầu của chiến tranh Kosovo.[17][20]

Năm 1998, do bạo lực trở nên tồi tệ hơn và rất nhiều người Albania phải di tản, mối quan tâm của phương Tây tăng lên. Nhà cầm quyền Serbia bắt buộc phải ký một lệnh ngừng bắn và rút lui một phần, được Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) giám sát theo một thỏa thuận do Richard Holbrooke dàn xếp. Tuy nhiên, thỏa thuận ngừng bắn không được tôn trọng và giao tranh lại tái diễn vào tháng 12 năm 1998. Thảm sát Račak vào tháng 1 năm 1999 khiến quốc tế dành mối quan tâm đặc biệt cho cuộc xung đột.[17] Trong vòng vài tuần lễ, một hội nghị quốc tế đa phương đã được triệu tập và đến tháng ba đã chuẩn bị được một dự thảo thỏa thuận được gọi là Hiệp định Rambouillet, kêu gọi phục hồi quyền tự trị cho Kosovo và triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO. Phía Serbia cho rằng các điều khoản không thể chấp nhận được và đã từ chối ký vào bản dự thảo.

NATO can thiệp bằng việc ném bom Nam Tư từ ngày 24 tháng 3 đến 10 tháng 6 năm 1999, nhằm buộc Milošević phải rút quân khỏi Kosovo.[21] Hành động quân sự này không được sự cho phép của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và do đó trái với các quy định của Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Cộng thêm các cuộc giao tranh giữa quân du kích người Albania và quân Nam Tư, người dân Kosovo lại càng phải di tản hơn nữa.[22]

Trong cuộc xung đột, gần một triệu người sắc tộc Albania phải chạy trốn hoặc bị xua đuổi khỏi Kosovo. Tổng cộng, đã có trên 11.000 người thiệt mạng được các công tố viên báo cáo cho Carla Del Ponte.[23] Khoảng 3.000 người vẫn mất tích, trong đó 2.500 người Albania, 400 người Serb và 100 người Di-gan.[24] Cuối cùng, vào tháng 6, Milošević đồng ý chấp thuận việc quân đội nước ngoài hiện diện tại Kosovo và cho quân của mình rút lui.

Thời kỳ Liên Hiệp Quốc quản lý

Ngày 10 tháng 6 năm 1999, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã thông qua Nghị quyết 1244, đặt Kosovo dưới sự quản lý của chính quyền quá độ Liên Hiệp Quốc (UNMIK) và ủy quyền cho KFOR, một lực lượng gìn giữ hòa bình do NATO lãnh đạo. Nghị quyết 1244 quy định rằng Kosovo sẽ có quyền tự trị trong Cộng hòa Liên bang Nam Tư, và khẳng định toàn vẹn lãnh thổ của Nam Tư, mà kế thừa hợp pháp là Cộng hòa Serbia.[25]

Kosovo tuyên bố độc lập

Bản đồ thế giới phân biệt các nước theo quan hệ với Kosovo.
  Các nước chính thức công nhận Kosovo độc lập.
  Các nước tuyên bố có ý định chính thức công nhận Kosovo độc lập.

Kosovo tuyên bố độc lập vào ngày 17 tháng 2 năm 2008[26] và trong vài ngày sau đó, một số quốc gia có chủ quyền (Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ, Albania, Áo, Croatia, Đức, Ý, Pháp, Anh Quốc, Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan),[27] Úc, Ba Lan và các quốc gia khác) công nhận sự độc lập của Kosovo, bất chấp phản đối của Nga và các thành viên Liên Hiệp Quốc khác.[28] 96 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc đã công nhận nền độc lập của Kosovo.[29][30] Kosovo đã trở thành thành viên của một số thể chế quốc tế như IMFNgân hàng Thế giới với danh nghĩa Cộng hòa Kosovo.[31][32]

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vẫn chia rẽ về vấn đề độc lập của Kosovo. Hoa Kỳ, Anh Quốc và Pháp đã tuyên bố công nhận nền độc lập này, Trung Quốc thì bày tỏ lo ngại, trong khi Nga thì coi tuyên bố này là bất hợp pháp. Tính đến tháng 9 năm 2012, không có quốc gia thành viên nào của Cộng đồng các Quốc gia Độc lập, Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể hay Tổ chức Hợp tác Thượng Hải công nhận nền độc lập của Kosovo.

Liên minh châu Âu không có quan điểm chính thức về tình trạng của Kosovo, song quyết định triển khai Phái bộ Pháp quyền đến Kosovo để đảm bảo sự hiện diện dân sự quốc tế sẽ được tiếp tục tại Kosovo. Đến tháng 4 năm 2008, hầu hết các quốc gia thành viên của NATO, EU, Liên minh Tây ÂuOECD công nhận Kosovo là một quốc gia độc lập.[33]

Đến năm 2008, tất cả các nước láng giềng của Kosovo ngoại trừ Serbia đều tuyên bố công nhận nền độc lập của Kosovo. MontenegroMacedonia tuyên bố công nhận Kosovo vào ngày 9 tháng 12 năm 2008.[34] Albania, Croatia, Bulgaria và Hungary cũng công nhận Kosovo là một quốc gia độc lập.[35]

Phần lớn cộng đồng Serbia thiểu số tại Kosovo phản đối tuyên bố độc lập, và đã thành lập nên Hiệp hội Cộng đồng Kosovo và Metohija để phản ứng. Việc thành lập Hiệp hội bị Tổng thống Kosovo Fatmir Sejdiu lên án.[36]Ngày 8 tháng 10 năm 2008, Đại hội đồng LHQ đã quyết định, dựa theo đề nghị của Serbia, yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế đưa ra một quan điểm pháp lý về tính hợp pháp trong tuyên bố độc lập của Kosovo. Ngày 22 tháng 7 năm 2010, Tòa án cho rằng tuyên bố độc lập của Kosovo không vi phạm các nguyên tắc chung hoặc luật pháp quốc tế, vốn không cấm đơn phương tuyên bố độc lập, cũng không vi phạm các điều luật quốc tế cụ thể - đặc biệt là UNSCR 1244 - vốn không xác định tình trạng cuối cùng của Kosovo.[37]

Vào năm 2019, 98 trên 193 thành viên Liên Hợp Quốc, 22 trên tổng số 28 thành viên Liên minh châu Âu, 25 trên tổng số 29 thành viên NATO, 34 trên tổng số 57 thành viên Tổ chức Hợp tác Hồi giáo đã công nhận Kosovo.[38][39]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Kosovo http://www.adnkronos.com/AKI/English/Business/?id=... http://www.alb-net.com/amcc/cgi-bin/viewnews.cgi?n... http://kosovareport.blogspot.com/2005/01/world-ban... http://www.catholicnews.com/data/stories/cns/09006... http://www.cbsnews.com/stories/2009/10/16/ap/world... http://www.ethnologue.com/show_language.asp?code=a... http://www.forexpros.com/news/stock-market-news/in... http://opinionleaders.htmlplanet.com/koskosova.htm... http://kosovo-hotels.com/index.php?mod=kos_profile http://www.kosovothanksyou.com/stats.php